Hồ Phương Thảo - Sói Mèo

19 February 2013

Chủ đề liên quan

[Sưu tầm] Thành công đo bằng gì?

LIKE và Share nếu bạn thấy hay ^_^ :

2:30 PM



"Hãy vứt ngay đi cái gì không phải của ta. Hãy thanh lọc các ý kiến của bạn để cái gì không thuộc về bạn sẽ không bám lấy bạn, đừng có dính vào đó và cũng đừng đau khổ khi người ta tước bỏ của bạn cái thứ không thuộc về bạn đó" - Épictète 

Đọc câu nói trên của triết gia người Hy Lạp khiến tôi suy nghĩ vài điều nho nhỏ và muốn chia sẻ. Đây hoàn toàn là quan điểm cá nhân, chẳng dám khuyên ai và cũng mong bạn đọc đừng bám vào bài viết này để đánh mất sự tự do trong suy nghĩ và quyết định cách sống của bản thân. Mục đích của tôi chỉ là muốn góp thêm một góc nhìn nữa thôi.

Vốn sống của tôi chưa nhiều nhưng đủ để tôi nhận thấy hiện nay tiêu chuẩn đo lường sự thành công hoặc thất bại của một người đang biến đổi theo chiều hướng tôi nghĩ là không tốt cho xã hội. Người ta rất dễ ngưỡng mộ một doanh nhân bảnh bao với đầy tiền trong túi. Nhiều bạn trẻ có thể chết mê chết mệt những ca sĩ có chút nhan sắc và sự phô diễn giọng hát kèm thân thể trên sân khấu (hình như ca nhạc đang được chuyển từ “nghe” sang “xem”). Rồi nhiều người sẵn sàng “đầu tư” tiền bạc hoặc cậy thân thế để vào bằng được những vị trí ngon lành trong các tập đoàn lớn với mục tiêu sau này dựa vào cái ghế ấy để kiếm chác. Một thực tế là nhiều sinh viên chỉ nhắm đến những công việc thu nhập cao và sẵn sàng nhảy nơi khác trả cao hơn mà không hề luyến tiếc. Hay khi còn đi học, điểm số hoặc bằng cấp hóa ra lại là mục đích duy nhất cho nỗ lực học của nhiều bạn, và còn nhiều ví dụ tương tự thế. Có thể tôi hơi cực đoan, nhưng ai dám bảo rằng nó không đang là thực tế ở một số người hiện nay? Rõ ràng cái mà nhiều người đang phấn đấu cho sự thành công của mình là có nhiều tiền với danh cao, quyền rộng. Và khi khoác trên mình “tiền”, “danh” và “quyền” ấy, người ta hiển nhiên được xem là thành công.

Rồi… một ngày nào đó, bỗng dưng mất tiền, mất quyền và mất danh, không ít người đi tìm đến cái chết vì cảm thấy tuyệt vọng, thế là xong, cuộc đời xem như chấm hết; hoặc nhẹ hơn thì ủ rũ chán chường, mất chí khí, thất bại, chẳng còn muốn làm gì nữa, từ đó sinh thói hư tật xấu, đàn đúm, nhậu nhẹt, làm khổ gia đình, trở thành gánh nặng cho xã hội.

Vậy ta có đang đặt sai trọng tâm không? Tại sao lại để những thứ ấy quyết định chất lượng cuộc sống của ta? Theo tôi, suy cho cùng "tiền", "danh", "quyền" là những cái vốn chẳng phải thuộc về mình, mà chỉ là mình đang được xã hội trả công một cách xứng đáng so với giá trị tạo ra thông qua sức lao động, thời gian lao động, và số lượng người được tác động bởi thành quả lao động của mình. Ví dụ, lương lãnh mỗi tháng chẳng phải do công ty trả cho bạn đâu, mà là do khách hàng tiêu dùng sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty bạn trả cho bạn (và bạn đang góp một phần trong chuỗi giá trị của công ty), bởi không có khách hàng thì làm gì công ty tồn tại được? Hoặc một diễn giả/ca sĩ có nổi tiếng hay không là do công chúng công nhận, chứ bản thân người ấy chẳng tự nhiên mà gắn hai chữ nổi tiếng lên cái tên của mình được.

Như vậy có thể thấy, “tiền”, “danh”, “quyền” là những cái sẽ đến như một hệ quả tất yếu khi giá trị mình mang lại cho xã hội là thực và được nhìn nhận. Cho nên, “tiền”, “danh”, “quyền” không thể là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một ai và càng không thể là đích đến để chúng ta phấn đấu trong cuộc sống. Tiêu chuẩn đo lường và đích đến ấy cần phải được thay đổi. Nó là câu trả lời của câu hỏi  “Tôi làm gì được cho xã hội này?”, hoặc “Giá trị cao nhất tôi có thể tạo ra cho xã hội này qua công việc của mình là gì?” chứ không phải “Lương một tháng của tôi là bao nhiêu?”, hay “Tôi muốn ngồi cái ghế nào trong công ty?”.

Tôi không có ý nói “tiền”, “danh”, “quyền” là không quan trọng, bởi nó phản ánh những gì bạn thể hiện. Nhưng với sự thay đổi trong hệ quy chiếu để đo lường sự thành công, tư duy của chúng ta sẽ khác hơn trong hướng phấn đấu từ khi còn trong ghế nhà trường (đặc biệt đối tượng tôi lưu ý nhất là các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp), cũng như với những người đang làm công tác giáo dục có thể thay đổi hướng tiếp cận trong việc truyền đạt tinh thần sẵn sàng cho học sinh, sinh viên để sau này hoặc ngay lúc này, mỗi người chúng ta phải dành thời gian ưu tư cho câu hỏi "Mình sẽ dùng cuộc đời vào việc gì cho có ích nhất? Tức là tạo được nhiều giá trị nhất cho xã hội”.

Có như thế, cuộc sống mới ý nghĩa bởi mỗi người đều thấy được giá trị thực mà mình đang góp phần để kiến tạo nên một xã hội tốt đẹp. Cũng từ đó, chính ta sẽ sống tự do và hạnh phúc hơn nhờ biết buông bỏ những gì vốn không thuộc về mình.

Copy at Vũ Đức Trí Thể

0 bình luận:

Post a Comment